Quý vị nên có một hình dung rõ ràng về số tiền quý vị đang chi tiêu so với số tiền quý vị đang kiếm được. Nếu quý vị có khoản nợ với lãi suất cao, quý vị nên lập kế hoạch trả nợ trước khi đầu tư.
Lập ngân sách
Lập ngân sách là một trong những thói quen tài chính tốt nhất mà quý vị có thể bắt đầu, ở bất kỳ lứa tuổi nào. Thói quen này sẽ đem đến một bức tranh rõ ràng hơn về cách quý vị quản lý tiền của mình và giúp quý vị đưa ra các quyết định tài chính phù hợp với mình.
Ngân sách có thể giúp quý vị theo dõi các khoản thu nhập và chi tiêu của mình, trả các hóa đơn đúng hạn và biết được số tiền quý vị cần tiết kiệm để thực hiện được những mục tiêu tài chính của mình.
Các bước để thiết lập một ngân sách
Cộng thu nhập sau thuế của quý vị. Đảm bảo rằng quý vị bao gồm tất cả các nguồn, chẳng hạn như thu nhập từ việc làm, các khoản trợ cấp của chính phủ, thu nhập từ việc làm tự do, v.v.
Cộng các chi phí cố định hàng tháng của quý vị. Cộng các chi phí hàng tháng của quý vị mà thường cố định, chẳng hạn như tiền thuê nhà hoặc trả nợ khoản vay thế chấp, dịch vụ tiện ích và các khoản trả nợ.
Ước tính những khoản chi phí linh hoạt của quý vị. Các khoản này có thể thay đổi từ tháng này sang tháng khác, cho những thứ như tiền đi chợ, tiền xăng hoặc chi phí cho hoạt động giải trí. Một số có thể là những khoản chi tiêu cần thiết, một số khác quý vị có thể giảm bớt.
Lập kế hoạch cho một số chi phí không thường xuyên nếu quý vị có thể, chẳng hạn như quà tặng, quần áo hoặc những chi phí bất ngờ.
Lập kế hoạch để dành một số tiền vào tài khoản tiết kiệm của quý vị. Số tiền còn lại sau khi thanh toán các chi phí có thể được đưa vào các mục tiêu ngắn hạn như quỹ khẩn cấp hoặc mục tiêu tiết kiệm và đầu tư dài hạn.
Xem xét ngân sách mỗi tháng và điều chỉnh nếu cần.
Ngân sách của quý vị có thể thay đổi khi hoàn cảnh của quý vị thay đổi.
Tiết kiệm
Việc tiết kiệm giúp quý vị đạt được các mục tiêu ngắn hạn. Đó có thể là những mục tiêu khiêm tốn như tiết kiệm để mua một chiếc điện thoại mới hoặc vé xem buổi hòa nhạc. Hoặc mục tiêu có thể là lập quỹ khẩn cấp để giúp quý vị vượt qua một thời điểm bấp bênh trong tương lai.
Mục tiêu tiết kiệm thường là một số tiền cụ thể mà quý vị biết mình cần tiết kiệm.
Ví dụ: nếu quý vị muốn lập quỹ khẩn cấp tương đương ba tháng chi phí sinh hoạt, quý vị có thể tính toán con số đó dựa trên chi tiêu hàng tháng hiện tại của mình.
Quý vị có thể để dành tiền tiết kiệm hàng tháng hoặc hàng tuần, tùy thuộc vào dòng tiền của quý vị. Cố gắng tạo thói quen tự động bằng cách lập lệnh chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản ngân hàng này sang tài khoản ngân hàng khác.
Các cách để tiết kiệm tiền bao gồm:
- Lập lệnh gửi tiền trực tiếp cùng ngày quý vị nhận tiền lương
- Lập kế hoạch tiết kiệm cho khoản tiền hoàn thuế
- Sử dụng các ứng dụng tiết kiệm hoặc các tính năng ‘làm tròn số’ trong ứng dụng ngân hàng trực tuyến của quý vị
- Đặt tiền lẻ sau khi thanh toán hóa đơn và tiền xu vào trong lọ vào cuối tuần
Tập thói quen tiết kiệm thực sự rất có giá trị. Ngay cả những số tiền nhỏ cũng sẽ trở thành khoản tiền lớn qua thời gian.
Giữ tiền tiết kiệm của quý vị ở nơi nào đó quý vị có thể tiếp cận nhanh chóng khi cần, nhưng vẫn ở một nơi an toàn, chẳng hạn như tài khoản tiết kiệm. Những tài khoản này sẽ giúp quý vị tăng số tiền mình có thông qua lãi suất kép.
Tài khoản tiết kiệm và tài khoản thanh toán thường là nơi mọi người giữ những khoản tiền mà họ dự định sẽ sớm tiêu.
Tài khoản tiết kiệm có thể được sử dụng để dành tiền cho những trường hợp khẩn cấp hoặc để dành cho một khoản mua sắm lớn. Tài khoản thanh toán có thể được sử dụng để chi tiêu hàng ngày hoặc để thanh toán các hóa đơn. Tài khoản đầu tư có thể được sử dụng cho mục đích đầu tư.
Nếu quý vị dưới 18 tuổi, quý vị có thể mở tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản thanh toán với sự hỗ trợ của cha mẹ hoặc người giám hộ. Quý vị sẽ cần có 2 loại giấy tờ tùy thân được chấp nhận để mở tài khoản. Để mở tài khoản đầu tư, cha mẹ hoặc ông bà của quý vị sẽ phải mở tài khoản ủy thác cho quý vị.
Có một số loại tổ chức tài chính khác nhau cung cấp các loại tài khoản này:
- Ngân hàng và công ty tín thác
- Hiệp hội tín dụng
- Công ty đầu tư
Kế hoạch đã đăng ký
Để giúp quý vị tiết kiệm, Chính phủ Canada đã thiết lập một số kế hoạch tiết kiệm và đầu tư. Được gọi là “kế hoạch đã đăng ký”, đây là những tài khoản có thể giữ tiền mặt hoặc các khoản đầu tư đủ tiêu chuẩn.
Các tài khoản này có thể được sử dụng như tài khoản đầu tư hoặc tài khoản tiết kiệm. Chúng không nhằm mục đích sử dụng hàng ngày như tài khoản thanh toán.
RDSP
Kế hoạch Tiết kiệm cho Người khuyết tật đã Đăng ký (Registered Disability Savings Plan – RDSP) là kế hoạch tiết kiệm dài hạn để hỗ trợ những người đủ điều kiện hưởng chế độ Tín Thuế cho Người khuyết tật (Disability Tax Credit) để tiết kiệm cho tương lai. Khi quý vị mở một kế hoạch, quý vị cũng có thể nhận được các khoản trợ cấp và trái phiếu từ Chính phủ và các khoản đầu tư của quý vị tăng trưởng mà không phải đóng thuế.
8 điều cần biết về RDSP
Người thụ hưởng là người khuyết tật sẽ nhận được tiền trong tương lai.
Chủ sở hữu kế hoạch là người mở và quản lý RDSP. Người thụ hưởng cũng có thể là chủ sở hữu kế hoạch.
Không quy định giới hạn đóng góp hàng năm nhưng giới hạn đóng góp suốt đời đối với một người thụ hưởng là $200,000.
Có thể đóng góp cho kế hoạch cho đến khi người thụ hưởng bước sang tuổi 59.
Các khoản đóng góp không được khấu trừ thuế, nhưng khoản tiết kiệm thì sẽ tăng trưởng mà không phải đóng thuế. Các khoản thu nhập từ tiền đầu tư không bị đánh thuế với điều kiện là các khoản này nằm trong kế hoạch.
Cho đến thời điểm năm 59 tuổi, người thụ hưởng có thể đủ điều kiện nhận các khoản đóng góp của chính phủ cho RDSP theo kế hoạch Trợ cấp Tiết kiệm cho Người khuyết tật Canada (Canada Disability Savings Grant) và Trái phiếu Tiết kiệm cho Người khuyết tật Canada (Canada Disability Savings Bond).
Các khoản tiết kiệm RDSP có thể được cất giữ dưới nhiều hình thức đầu tư khác nhau, tùy thuộc vào nơi mở kế hoạch.
Người thụ hưởng phải bắt đầu nhận các khoản thanh toán định kỳ (thanh toán trợ cấp khuyết tật) từ kế hoạch chậm nhất là năm 60 tuổi.
Đóng góp và rút tiền trong RDSP
Bất kỳ ai cũng có thể đóng góp vào RDSP cho đến cuối năm mà người thụ hưởng bước sang tuổi 59 hoặc khi đã đạt đến giới hạn đóng góp là $200,000.
Nhìn chung, nếu quý vị rút tiền từ RDSP của mình, quý vị phải hoàn trả một số hoặc tất cả các khoản trợ cấp và trái phiếu mà chưa ở trong kế hoạch được 10 năm.
Các khoản thanh toán định kỳ phải bắt đầu muộn nhất vào năm 60 tuổi
Thanh toán phải được thực hiện tối thiểu hàng năm
Các khoản thanh toán phải chịu thuế đối với phần giá trị vượt quá giá trị đóng góp
RESP
Kế hoạch Tiết kiệm cho Giáo dục đã Đăng ký (Registered Education Savings Plan – RESP) là kế hoạch tiết kiệm dành riêng để giúp quý vị tiết kiệm cho việc học của con mình sau khi tốt nghiệp trung học.
Nếu quý vị tham gia RESP cho con mình, Chính phủ Canada sẽ cung cấp thêm các ưu đãi tiết kiệm bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp giáo dục lên đến một giới hạn nhất định để giúp quý vị tiết kiệm cho việc học của con mình. Số tiền quý vị nhận được tùy thuộc vào khoản đóng góp hàng năm và thu nhập hộ gia đình của quý vị.
3 loại RESP
Mục đích của kế hoạch cá nhân là chi trả cho việc học của một người thụ hưởng. Bất kỳ ai cũng có thể mở kế hoạch cá nhân và bất kỳ ai cũng có thể đóng góp vào kế hoạch đó. Quý vị thậm chí có thể mở một kế hoạch cho chính mình. Quý vị thường không phải gửi vào số tiền tối thiểu. Nếu người thụ hưởng không học tiếp sau trung học, quý vị có thể chuyển tên cho người thụ hưởng khác.
Đóng góp
Quý vị quyết định thời điểm và số tiền đóng góp, với tổng giới hạn đóng góp trong cuộc đời là $50,000 cho một người thụ hưởng.
Kế hoạch gia đình có thể có nhiều hơn một người thụ hưởng. Nhưng mỗi người thụ hưởng phải là thành viên gia đình của người mở kế hoạch (ví dụ, con, cháu, anh chị em của quý vị) và dưới 21 tuổi khi quý vị đưa tên họ vào kế hoạch.
Đóng góp
Quý vị thường không phải chuyển số tiền tối thiểu khi mở kế hoạch và quý vị quyết định thời điểm và số tiền đóng góp với tổng giới hạn trong cuộc đời là $50,000 cho mỗi người thụ hưởng.
Hoạt động của kế hoạch nhóm khác với kế hoạch cá nhân và gia đình, và mỗi kế hoạch có các quy tắc riêng. Kế hoạch nhóm thường có phí cao hơn và các quy tắc mang tính hạn chế hơn. Trẻ không cần phải là thành viên gia đình của quý vị và quý vị phải gửi vào số tiền tối thiểu khi mở kế hoạch.
Đóng góp
- Quý vị đóng góp cho RESP theo lịch trình đã định, với giới hạn đóng góp trọn đời là $50,000 cho một người thụ hưởng.
- Số tiền quý vị đóng góp được gộp chung với khoản đóng góp của các nhà đầu tư khác.
- Tất cả các quyết định đầu tư đều được đưa ra cho quý vị.
Quý vị có 60 ngày sau khi ký hợp đồng để hủy các kế hoạch được cung cấp bởi các đại lý kế hoạch nhóm mà không bị phạt.
RRIF
Quỹ Thu nhập Hưu trí đã Đăng ký (Registered Retirement Income Fund – RRIF) là tài khoản giữ khoản tiết kiệm hưu trí đã đăng ký của quý vị và cung cấp cho quý vị thu nhập sau khi nghỉ hưu.
Quý vị có thể mở RRIF bằng cách chuyển các khoản tiền tiết kiệm từ một tài khoản hưu trí, chẳng hạn như RRSP.
6 điều cần biết về RRIF
Quý vị có thể mở RRIF bất kỳ lúc nào, nhưng không muộn hơn thời điểm cuối năm khi quý vị 71 tuổi.
Quý vị mở RRIF bằng cách chuyển tiền từ RRSP của mình. Trong một số trường hợp nhất định, quý vị được phép chuyển từ các kế hoạch đã đăng ký khác như kế hoạch hưu trí và DPSP.
Sau khi đã thiết lập RRIF, quý vị không thể đóng góp thêm cho kế hoạch. Tuy nhiên, quý vị có thể mở nhiều hơn một RRIF.
Quý vị chọn các loại hình đầu tư được giữ trong tài khoản RRIF. Ví dụ: GIC, quỹ tương hỗ, ETF, quỹ đầu tư riêng biệt thông qua bảo hiểm nhân thọ, cổ phiếu và trái phiếu.
Quý vị phải rút ra một số tiền tối thiểu từ RRIF của mình mỗi năm. Số tiền này tăng lên khi quý vị già đi. Không có giới hạn rút tiền tối đa.
Nếu quý vị qua đời mà tài khoản RRIF của quý vị vẫn còn tiền, số tiền đó sẽ được chuyển giao cho những người thụ hưởng được chỉ định hoặc người thừa kế của quý vị.
Rút tiền từ RRIF
Quý vị phải bắt đầu rút tiền từ RRIF của mình vào năm sau năm quý vị mở kế hoạch này. Chính phủ trung ương quy định số tiền tối thiểu quý vị phải rút từ RRIF của mình hàng năm và số tiền này dựa trên tỷ lệ phần trăm giá trị RRIF của quý vị.
Phí RRIF
Hầu hết các RRIF đều không thu phí mở kế hoạch, nhưng quý vị có thể phải trả các khoản phí khác sau khi mở. Các khoản phí này có thể bao gồm phí quản lý hoặc ủy thác hàng năm, phí đầu tư và phí thực hiện các thay đổi đối với RRIF của quý vị.
RRSP
Kế hoạch Tiết kiệm Hưu trí đã Đăng ký (Registered Retirement Savings Plan – RRSP) là tài khoản đã được đăng ký với chính phủ trung ương nhằm giúp quý vị tiết kiệm tiền để nghỉ hưu. Các khoản đóng góp RRSP được hoãn thuế. Điều này có nghĩa là quý vị không phải trả thuế đối với thu nhập được sử dụng để đóng góp, nhưng quý vị phải trả thuế đối với số tiền rút ra.
Trước khi mở RRSP, quý vị phải có thời gian làm việc ở Canada và đã khai thuế. Số tiền quý vị có thể đóng góp cho RRSP dựa trên thu nhập quý vị kiếm được với những giới hạn nhất định.
5 lý do để mở RRSP
Các khoản đóng góp được khấu trừ thuế.
Quý vị yêu cầu khấu trừ thuế cho khoản đóng góp RRSP trên tờ khai thuế của quý vị. Ví dụ: nếu quý vị thuộc khung thuế cao nhất ở Ontario, cứ mỗi $1,000 đóng góp, quý vị sẽ giảm đi khoảng $535 từ số thuế phải trả.Các khoản tiết kiệm tăng lên mà không phải chịu thuế.
Quý vị sẽ không phải trả bất kỳ khoản thuế nào đối với các khoản thu nhập từ tiền đầu tư miễn là các khoản này nằm trong RRSP của quý vị. Khoản lãi kép miễn thuế này giúp khoản tiết kiệm của quý vị tăng trưởng nhanh hơn.Quý vị có thể chuyển đổi RRSP của mình để nhận các khoản thanh toán định kỳ khi nghỉ hưu.
Quý vị có thể chuyển tài khoản tiết kiệm RRSP của mình thành RRIF hoặc tiền thu nhập hàng năm mà không phải trả thuế khi quý vị nghỉ hưu. Quý vị sẽ phải trả thuế cho các khoản thanh toán định kỳ quý vị nhận được hàng năm – nhưng nếu quý vị thuộc khung thuế thấp hơn khi nghỉ hưu, quý vị sẽ phải trả ít thuế hơn. Ngày chuyển đổi bắt buộc là ngày quý vị bước sang tuổi 71.RRSP của vợ/chồng có thể giảm tổng số tiền thuế của quý vị.
Nếu thu nhập của quý vị cao hơn của vợ/chồng quý vị, quý vị có thể giúp mở khoản tiết kiệm miễn thuế của họ bằng cách đóng góp vào RRSP của vợ/chồng mình. Thu nhập hưu trí sau đó sẽ được chia đều hơn cho hai người – điều này có thể làm giảm tổng số thuế quý vị phải trả.Quý vị có thể vay từ RRSP để mua căn nhà đầu tiên hoặc chi trả cho việc học của mình.
Quý vị có thể rút ra tối đa $35,000 để trả trước cho ngôi nhà đầu tiên hoặc tối đa $20,000 để chi trả chi phí giáo dục cho quý vị hoặc vợ/chồng quý vị. Quý vị sẽ không phải trả thuế đối với các khoản rút tiền này miễn là quý vị trả lại tiền trong khoảng thời gian quy định.
Sử dụng công cụ tính toán tiền tiết kiệm RRSP này để xác định giá trị RRSP của quý vị khi nghỉ hưu.
Công cụ tính toán tiền tiết kiệm RRSPSo sánh TFSA và RRSP
Cả TFSA và RRSP đều mang lại lợi thế về thuế, giúp quý vị đạt được mục tiêu tiết kiệm của mình. Cả hai đều có thể được sử dụng cho mục đích tiết kiệm hưu trí. Nhưng nếu quý vị phải chọn một trong hai, hãy chắc chắn quý vị hiểu sự khác biệt giữa hai loại hình này. Sau đó, hãy đưa ra lựa chọn của quý vị dựa trên tình hình tài chính và thuế của cá nhân quý vị.
- RRSP dành riêng cho tiết kiệm hưu trí. TFSA dành cho bất kỳ mục tiêu tiết kiệm nào.
- Các khoản đóng góp RRSP được khấu trừ thuế. Các khoản đóng góp TFSA không được khấu trừ thuế. Với RRSP, quý vị khấu trừ khoản đóng góp của mình từ thu nhập quý vị khai trên tờ khai thuế. Với TFSA, quý vị không thể khấu trừ khoản đóng góp của mình trên tờ khai thuế.
- Quý vị trả thuế cho các lần rút tiền RRSP của mình vì quý vị đã dùng tiền trước thuế để đóng góp. Quý vị không phải trả thuế khi rút tiền TFSA vì quý vị đã dùng tiền sau khi trả thuế để đóng góp.
- Quý vị không thể đóng góp thêm và phải đóng RRSP của mình khi bước sang tuổi 71. Khi đó, quý vị phải sử dụng tiền tiết kiệm của mình để mua RRIF hoặc trợ cấp hàng năm. Với TFSA, quý vị không cần phải ngừng đóng góp hoặc đóng lại ở một độ tuổi nhất định.
- Quý vị cần có thu nhập từ việc làm mới được đóng góp cho RRSP nhưng với TFSA thì không cần.
- Với cả hai kế hoạch, quý vị có thể để tên vợ/chồng mình làm người thụ hưởng. Tiền sẽ được chuyển cho họ khi quý vị qua đời. Nhưng với RRSP, sau khi vợ/chồng của quý vị qua đời, bất kỳ khoản tiền nào còn lại trong tài khoản sẽ bị tính thuế. Vì vậy, nếu con cái của quý vị được thừa kế số tiền đó, số tiền con quý vị nhận được sẽ là số tiền sau khi trừ thuế. Với TFSA, chỉ phần giá trị tăng thêm của TFSA kể từ ngày qua đời mới bị đánh thuế vào năm mà con quý vị nhận tiền. Nếu số tiền nhận được không lớn hơn giá trị của TFSA khi quý vị qua đời, thì con quý vị sẽ không phải trả thuế.
TFSA
Tài khoản Tiết kiệm Miễn Thuế (Tax-Free Savings Account – TFSA) là tài khoản tiết kiệm được đăng ký với chính phủ trung ương, cho phép quý vị tiết kiệm mà không phải chịu thuế đối với bất kỳ mục tiêu nào quý vị muốn.
8 điều cần biết về TFSA
Quý vị có thể mở TFSA khi quý vị từ 18 tuổi trở lên và có số bảo hiểm xã hội hợp lệ.
Quý vị có thể bỏ tiền vào bất kỳ lúc nào cho đến khi đạt giới hạn tối đa.
Quý vị có thể tiết kiệm miễn thuế cho bất kỳ mục tiêu nào mà quý vị muốn (xe hơi, nhà ở, kỳ nghỉ).
Quý vị không cần phải có thu nhập từ việc làm mới có thể đóng góp.
Quý vị có thể rút tiền ra bất cứ khi nào quý vị muốn vì bất kỳ lý do gì, mà không phải trả thuế.
Nếu quý vị rút tiền ra, quý vị có thể đóng góp lại vào năm sau ngoài mức tối đa hàng năm.
Quý vị có thể nắm giữ nhiều khoản đầu tư trong TFSA, như tiền mặt, GIC, trái phiếu, cổ phiếu và quỹ tương hỗ.
Quý vị có thể chuyển tiền vào tài khoản của vợ/chồng hoặc người sống chung không có hôn thú (common-law partner) của quý vị.
FHSA
Tài khoản Tiết kiệm cho Ngôi nhà Đầu tiên (First Home Savings Account) là một loại chương trình tiết kiệm có đăng ký dành cho những người Canada đang dành dụm để mua ngôi nhà đầu tiên của họ.
5 điều cần biết về FHSA
Quý vị có thể mở FHSA nếu quý vị là cư dân Canada từ 18 tuổi trở lên.
Quý vị có thể tiết kiệm tối đa $40,000 trong một FHSA. Quý vị có thể đóng vào tối đa $8,000 mỗi năm.
Các khoản tiền đóng vào được khấu trừ thuế.
Sau khi quý vị mở FHSA, quý vị có thể sử dụng nó trong tối đa 15 năm. Sau khoảng thời gian đó, quý vị phải đóng tài khoản này.
Nếu quý vị không mua nhà, phần tiền tiết kiệm chưa sử dụng trong FHSA của quý vị có thể được chuyển sang tài khoản RRSP. Số tiền đó cũng có thể được rút ra dưới dạng thu nhập chịu thuế.